Phân biệt “các” và “những”

Khi dịch bài từ tiếng Anh sang tiếng Việt, vì các danh từ tiếng Anh có dạng số nhiều và số ít nhưng tiếng Việt thì không có nên phải thêm “các” hoặc “những” vào trước danh từ để phân biệt. Mình thường bối rối không biết nên dùng từ nào cho đúng, và trước giờ mình thường chọn theo tổ tiên mách bảo, từ nào nghe thuận tai, hợp ý, không lặp thì dùng thôi. Kể cả trong sách hay sách văn học, hai từ này cũng thường được dùng lẫn lộn tưởng như không có quy tắc gì. Hôm nay rảnh rỗi, mình đi tìm hiểu thử xem “các” và “những” khác nhau như thế nào.

Theo cuốn “Việt Nam văn phạm” của Trần Trọng Kim và nhiều tác giả khác:

Tiếng mạo từ các cùng dùng về số nhiều như tiếng những. Song tiếng ấy thường đứng trước tiếng danh tự chỉ những người hay những vật mà người ta biết rồi và đã chỉ định trong trí não rồi, không cần phải chỉ rõ ở câu nói nữa:
– Thưa các ngài
– Nó làm các việc ở trong nhà.

Theo “Việt Nam văn phạm”

Theo giải thích trên đây thì “các” đứng trước danh từ mà người nói và người nghe đều đã xác định, “những” đứng trước danh từ chưa được xác định.

Cá nhân mình thấy phân loại “các” và “những” là “mạo từ” là không đúng lắm, do mạo từ (article: a, an, the) chỉ dùng với danh từ số ít và quy tắc dùng khắt khe hơn nhiều nên hoàn toàn khác với cách dùng của “các” và “những” đang bàn tới. Chính xác ra thì trong tiếng Việt không có khái niệm danh từ số ít số nhiều, nên cũng sẽ không có khái niệm “mạo từ”. “Các”, “những” cũng như “tất cả” “nhiều”, “vài”, “hầu hết”, “đa số”, “mỗi”, “từng” đều là lượng từ (quantifiers), giống như all, most, many, some, each, any… trong tiếng Anh.

Theo GS.TS Mai Ngọc Chừ:
– “Các” chỉ toàn thể
– “Những” chỉ bộ phận

Hai quy tắc này tưởng chừng như khác nhau và bổ sung cho nhau nhưng thực chất lại xuất phát từ cùng một gốc. Theo giải thích ở đây:

“các” chỉ tất cả những phần tử của một không gian tâm trí xác định.
– “những” chỉ tất cả những phần tử của một không gian tâm trí chưa xác định.
Một tất yếu logic là không gian xác định có nội hàm rộng hơn một không gian chưa xác định. Từ đây suy ra hệ quả là ngoại diên của “các” hẹp hơn ngoại diên của “những”. Nói cách khác, “những” được dùng rộng rãi hơn và tần số của “những” sẽ lớn hơn tần số của “các”.

http://ngonngu.org/

Do không gian chưa xác định luôn là một bộ phận của một không gian xác định nên việc “những” chỉ bộ phận và “các” chỉ toàn thể ở quy tắc của GS.TS Mai Ngọc Chừ cũng được suy ra từ cùng một quy tắc về đối tượng xác định và chưa xác định.

Tóm lại thì quy tắc dùng “các” và “những” là như sau:
– “các” là lượng từ xác định số nhiều đứng trước đối tượng đã xác định
– “những” là lượng từ bất định số nhiều đứng trước đối tượng chưa xác định

Ví dụ: Mình xin thông báo với các bạn về kế hoạch tuần tới. Những bạn có thắc mắc xin hãy hỏi vào cuối buổi.
Các bạn: đã xác định là mọi thành viên đang có mặt
Những bạn có thắc mắc: chưa xác định là thành viên nào

Những trường hợp chỉ dùng được cả “các” và “những”, do đó có thể tùy chọn từ nào nghe thuận tai:
– Dựa trên nguyên tắc: những gì thấy rõ ngay trước mắt được coi là đã xác định, những gì của mình thì mình biết, nên trong các tình huống dưới đây sẽ dùng được cả hai:
+ Các bộ phận cơ thể người: những/các ngón tay, ngón chân, sợi tóc…
+ Các hiện tượng thời tiết, khí hậu, đối tượng thiên nhiên: những/các con sông, ngọn núi, cánh rừng, cơn mưa, trận bão…
+ Các đơn vị địa lý: những/các quốc gia, thành phố…
Tuy nhiên những gì đã xác định thì vẫn dùng các: “các trận bão năm vừa qua”, “các thành phố trực thuộc trung ương”…
– Trước những đối tượng đi kèm chỉ từ xác định như: ấy, nọ, kia… do các từ này có chức năng cụ thể hóa danh từ. Ví dụ: những/các ông ấy, những/các người kia…
– Trước những đối tượng có đi kèm định ngữ mà yếu tố xác định/không xác định khá mờ nhạt. Ví dụ: những/các chuyên gia khí tượng, những/các em học sinh giỏi, những/các thành viên đã gửi câu hỏi… Tuy nhiên trong bối cảnh câu văn, yếu tố chưa xác định đã rõ ràng thì cần phải dùng “những”.

Những trường hợp chỉ dùng “những” mà không thể dùng “các”:
– Trước các chỉ từ phiếm định ai, gì, đâu do đây là những yếu tố chưa xác định. Ví dụ: những ai, những gì, những đâu, không thể dùng “các ai”…
– Trước những danh từ riêng dùng làm ẩn dụ do đây cũng là danh từ chưa xác định. Ví dụ: “Xã hội hiện nay thiếu gì những Lý Thông, Chí Phèo, Xuân tóc đỏ, nhưng cũng không ít những cô Tấm, những Thạch Sanh, Thánh Gióng”

Những trường hợp chỉ dùng “các” mà không thể dùng “những”:
– Các đối tượng ngay trước mắt. Ví dụ: “Các người hãy nhìn mà xem”, “Các cụ nói gì cơ?”. Không dùng “những người”, “những cụ”, do người, cụ ở đây là đối tượng đã xác định. Nếu muốn dùng “những”, ta phải thêm đây, đó, kia, ví dụ như: “những người kia hãy nhìn mà xem”, “một ngày kia những kẻ đó sẽ phải hối tiếc”.
– Trước từ “ngươi”, do ngươi là cách nói xem thường một người nhìn thấy ngay trước mắt nên cũng là đối tượng xác định. Ví dụ: “các ngươi làm gì vậy?”

Tuy nhiên mình cũng để ý tới những trường hợp về ngữ pháp dùng “các” đúng hơn nhưng dùng “những” nghe thuận tai hơn. Ví dụ:
– Số lượng những … như trong câu “Số lượng những cục u trên trán của tôi và thằng Cù Lao cứ tăng dần đến mức báo động” (Quê nội, Võ Quảng)


[Dịch truyện ngắn] Nỗi bất an đã đưa đẩy tui vào một mối quan hệ

Như tôi, bà cũng bị mất ngủ và có vô số hoài bão nghệ thuật chưa thực hiện được. Nhưng không như tôi, bà dường như, từ lâu, đã từ bỏ ý định tìm kiếm tình yêu.

Lời người dịch:
Mình tình cờ đọc được truyện ngắn này trên chuyên mục “Chuyện rắc rối” (It’s complicated) trên tờ The Cut trong lúc đang ở trên tàu vào chiều thứ 6. Chẳng hiểu sao mình thấy cái lối viết hài hước dí dỏm này lại rất hợp để đọc trên tàu, nhất là vào chiều thứ 6. Lúc đó mình đã quyết định cuối tuần sẽ thử dịch nó ra mà vẫn cố giữ văn phong. Và đây là thành quả của mình. Nếu được thì hãy đọc nó trong khi đang di chuyển trên tàu hay xe buýt nhé.

Tui nghĩ tới năm 50-60 tuổi, tui sẽ giống Eileen, dành nốt thanh xuân đi đọc chỉ tay cho các cô gái trẻ rồi nói với các cô: “Ôi! Cưng tèo rồi, …” =))

Link bài gốc:
Insecurity Drove Me Into a Relationship, tác giả Shayna Goodman

Vào năm 24 tuổi, tôi đã bị thuyết phục rằng mình sẽ chẳng bao giờ tìm thấy tình yêu. Tôi chưa từng có nổi mối tình nào được quá 3 tháng. Hẳn là tôi đã rớt lại sau bạn bè mình, tụi nó đều hoặc bắt đầu chuyển vào ở cùng bạn trai hoặc vừa được thăng chức.

Tôi đã luôn tưởng tượng ra cảnh lúc tôi 24 tuổi, tôi sẽ làm việc ở văn phòng và sống trong một căn hộ ở Manhattan với bạn cùng phòng. Thực tế cũng đúng phần nào, ngoại trừ việc bạn cùng phòng của tôi là hai nghệ sĩ nghèo rớt mồng tơi, cũng là ba mẹ tôi và căn hộ thì bé tí, ở Soho, nơi tôi lớn lên. Tôi đã cố gắng vượt qua những ảnh hưởng của cuộc suy thoái ở trường đại học tại Michigan. Nhưng rốt cuộc tôi trở lại New York, ngập ngụa trong món nợ học phí và thất nghiệp, ngủ tới quá trưa trên chiếc giường cỡ trẻ con mà hồi trung học tôi thường bò ra làm bài tập trên đó.

Bị xúi giục bởi nỗi bất an, tôi bước vào một mối quan hệ, nếu có thể gọi nó thế, với Elouan, một anh chàng người Pháp làm nghề bán phần mềm sống ở Montreal. Cũng chẳng phải lạ gì việc tôi ở trong một mối quan hệ yêu xa thiếu thực tế. Nhưng thường là một anh chàng người Mỹ nhàm chán với một cái ngăn kéo đầy quần đùi tập gym. Lần này là một anh chàng người Pháp hẳn hòi! Elouan đã khơi dậy một thứ “sính Pháp” vô danh từ sâu bên trong tôi. Bỗng nhiên, tôi yêu mọi thứ về nước Pháp. Tôi ăn bánh sừng bò mỗi sáng và xem phim Belle de Jour. Vào buổi tối, tôi ngắm mình trong gương phòng tắm, tự hỏi tôi trông sẽ ra sao nếu tôi nói được tiếng Pháp. Liệu thế có giúp tôi đẹp lên không?

Tôi gặp Elouan ở một quán bar trong lúc anh chàng ghé thăm New York. Chúng tôi uống nhiều Jamesons đến nỗi chồng cốc rỗng chất thành tháp và đổ xuống, tan thành những mảnh vỡ ướt trên sàn. Sau đó, chúng tôi ôm ấp trong hành lang của một trạm xá trên đường Houston tới lúc bảo vệ tới và đập cửa. Buổi sáng hôm sau, anh chàng trở về Montreal. Nhưng tôi chưa từng để thực tế cản trở chuyện tình cảm. Tôi đi tàu 12 tiếng lên phía bắc để gặp anh ta, vài lần trong suốt hai tháng. Anh chàng chẳng bao giờ tới chỗ tôi. Tôi tới anh ta.

Mùa hè năm đó, tôi xoay xở kiếm được một công việc làm thêm. Một người bạn của mẹ có người bạn cần tìm trợ lý. Thế là tôi làm việc cho Eileen, một phụ nữ lập dị khoảng năm mấy tuổi, đang quyên góp tiền để làm một bộ phim tài liệu về người cha quá cố, một nhà soạn nhạc được yêu mến. Chúng tôi gặp nhau trong một tiệm cà phê ở gần căn hộ của bà ở East Village. Bà tới trễ nửa tiếng, tóc bù xù và nhuộm đỏ với chân tóc màu xám lộ ra xơ xác trên đỉnh đầu. “Xin lỗi vì tới trễ. Ta bị mất ngủ kinh niên”, bà giải thích. Tôi gật đầu, nhìn vào bọng mắt bà. Tôi đã muốn lấy cớ vào nhà vệ sinh để thoa thêm kem che khuyết điểm dưới mắt. Tôi cũng đang bị mất ngủ nhưng tôi hi vọng rằng cơn điên của tôi không quá lộ liễu.

Eileen đề nghị mời tôi cà phê. “Nếu cháu uống cà phê”, bà nói. “Ta chỉ uống trà xanh. Cà phê là thuốc phiện của tụi tay sai tư bản”. Tôi chọn trà. Bà bảo tôi bà cần trợ giúp điền đơn xin tài trợ và thời hạn họp. Nhưng chẳng tốn bao thời gian để tôi nhận ra cả Eileen và tôi đều không có khả năng tổ chức.

Chúng tôi làm việc trong một văn phòng tạm thời trong căn hộ lộn xộn ở East Village nơi bà đang sống một mình. Đó là một ngày tháng bảy oi bức và sao Thủy đang nghịch hành (1), nên Eileen nhất nhất yêu cầu chúng tôi không hoàn thành bất kỳ công việc hậu cần nào.

(1) Sao Thủy nghịch hành (Mercury retrograde) là hiện tượng thiên văn học xảy ra 3 lần một năm (năm 2021 sẽ là 30/1~20/2, 29/5~22/6, 27/9~17/10, theo múi giờ thì ở Việt Nam hay Nhật Bản sẽ cộng thêm 1 ngày) khi đường di chuyển của sao Thủy trông như ngược hướng với quỹ đạo bình thường. Hiện tượng nghịch hành được các nhà thiên văn học giải thích, đầu tiên bằng cách hiểu rằng các hành tinh trong Hệ Mặt Trời di chuyển theo quỹ đạo quanh Mặt Trời với tốc độ và khoảng cách khác nhau. Trái Đất cũng quay quanh Mặt Trời nên chúng ta có thể quan sát các hành tinh di chuyển trên bầu trời. Thi thoảng, đường di chuyển của chúng trông có vẻ như (từ góc nhìn của chúng ta) đột ngột ngoặt ngược hướng. Đây là ảo giác được tạo ra do vị trí tương quan của Trái Đất so với hành tinh đó. Nhiều người (mê chiêm tinh học, như Eileen) tin rằng Sao Thủy là hành tinh điều khiển mọi dạng giao tiếp: nghe, nói, đọc viết lẫn các hoạt động tương tự như thương lượng, đàm phán, giao phát hàng hóa thư từ... Họ cũng tin rằng khi sao Thủy nghịch hành, chúng ta nên kiên nhẫn và thấu hiểu cho bất kỳ sự chậm trễ nào. Haha, Eileen hẳn là một fan bự của chiêm tinh học. À, mọi chú thích đều là của người dịch.

Hầu như mỗi ngày, tôi sẽ ngồi với máy tính xách tay của mình trong khi Eileen đọc danh sách các tổ chức mà chúng tôi sẽ nộp đơn khi các hành tinh thẳng hàng. Eileen không chịu dùng máy tính xách tay, vì bà không thấy bút, giấy hay danh bạ điện thoại có vấn đề gì. Sau 20 phút xong việc này, bà sẽ cuốn một điếu “cỏ” và chúng tôi phê pha ngoài phòng khách. Tôi ngồi trên sàn cạnh điện thờ Phật của bà trong khi bà tuôn một tràng độc thoại chính trị không ngừng nghỉ về “Hợp chủng Sai lầm Hoa Kỳ”(2), mặt bà nhăn nhó vì tuyệt vọng.

 (2) Hợp chủng Sai lầm Hoa Kỳ: Chỗ này Eileen chơi chữ khi biến cụm từ "The United States of America" thành "The United Mistakes of America".

Vào thời điểm đó, tôi hoàn toàn tự mãn về khả năng hấp dẫn đàn ông đến nỗi tôi thấy tội nghiệp cho Eileen, già và cô đơn. Nhưng những câu chuyện bà kể cho tôi lại cho thấy tôi đã sai: rằng đàn ông luôn thấy bà hấp dẫn. Vào các buổi sáng, bà sẽ kể với tôi về những đêm hẹn hò với tình cũ, thường là đàn ông Anh hay Úc, vừa quay trở về từ Thái Lan và ra sức hâm nóng lại tình xưa.

Nhờ sự cởi mở của Eileen khích lệ, tôi bắt đầu tâm sự với bà về Elouan. Bà cảnh báo rằng tôi “không nên dùng đàn ông Pháp cho bất kỳ điều gì ngoài tình dục”. Tôi nói với bà rằng tôi chưa có mối tình nào dài quá ba tháng. “Ta cũng thế”, bà nói vẻ cam chịu, cứ như đang thở ra một lời than về điều gì phiền toái mà bà cũng chẳng thể kiểm soát nổi, như thời tiết xấu chẳng hạn. Tôi quá để tâm tới tình sử của mình đến nỗi sự đồng nhất trải nghiệm của hai chúng tôi không phải ngẫu nhiên mà như là sự song hành của luật vũ trụ.

Eileen bảo tôi với bà là những tâm hồn đồng điệu – bạn nghệ – và tôi dần yêu thích những buổi chiều của chúng tôi. Thỉnh thoảng bà sẽ lấy túi quần áo cũ ra cho tôi thử. “Ngày xưa khi ta trạc tuổi cháu, dáng ta cũng như cháu ấy”, bà bảo tôi. Bà kéo chúng tôi lại gần nhau bằng những so sánh như thế, khiến tôi cảm thấy vừa đặc biệt vừa e ngại. Như tôi, bà cũng bị mất ngủ và có vô số hoài bão nghệ thuật chưa thực hiện được. Nhưng không như tôi, bà dường như, từ lâu, đã từ bỏ ý định tìm kiếm tình yêu.

Trong căn hộ của Elouan ở Montreal, chúng tôi sẽ nấu và ăn những bữa ăn công phu: gà lôi phết sốt, pate gan ngỗng. Chúng tôi sẽ nốc cả đống rượu. Chúng tôi sẽ làm tình, trốn trong phòng ngủ của anh ta hoặc ở những nơi không thực tế như nhà vệ sinh trong quán bar và ngõ hẻm, nơi tôi sẽ cúi xuống trong tư thế không thoải mái, m*ng của tôi lộ ra trong không khí ban đêm. Sự lố bịch của việc làm tình nơi công cộng đã giúp thuyết phục tôi rằng niềm đam mê giữa chúng tôi đảm bảo cho nỗi xấu hổ mà tôi phải trải qua để được gần anh ta.

Tôi không nói tiếng Pháp, còn tiếng Anh của Elouan chỉ ở mức sơ đẳng, khiến tôi nghi ngờ rằng suy nghĩ của anh ta bằng bất kỳ ngôn ngữ nào cũng sơ đẳng như thế. Tôi đã cố nói chuyện với anh ta về Eileen nhưng cái nhìn sâu sắc duy nhất của anh ta là “Chao, bà ấy thật đin rồ”. Vì anh ta là người Pháp nên tôi cứ đinh ninh rằng anh ta phải thông minh lắm. Nhưng rõ là anh ta không thích đọc sách. Mục tiêu của anh ta là kiếm tiền và theo những gì tôi có thể hiểu, là sống trong một tòa nhà cao tầng sang trọng ở Miami. Đấy không phải là cuộc sống mà tôi mơ ước. Dù vậy, tôi vẫn tin rằng tôi cần mối quan hệ với anh ta để phá vỡ thành công chu kỳ ba tháng của tôi.

Đôi khi, tôi tưởng tượng tất cả những chuyện làm tình, ăn, ngủ này là tình yêu. Nhưng có một lần, khi tôi trên chuyến tàu bất tận về nhà, tôi thấy bất ổn và bị phớt lờ. Những khi không ở bên nhau, Elouan chỉ thỉnh thoảng trả lời tin nhắn của tôi. Anh ta sẽ biến mất cả tuần và tôi sẽ không ngủ, tự hỏi anh ta đang ở đâu và đang lăng nhăng với ai. Một ngày nọ, mối quan hệ làm tôi lo lắng tới mức đã són ra quần. Ở nơi làm việc, Eileen bắt đầu bóng gió rằng tôi nên tự giải thoát. “Ta đã cảnh báo cháu về đám đàn ông Pháp đó”, bà nói, “Bọn họ là những kẻ phân biệt giới tính cải trang thành những gã gợi cảm vô hại”.

Eileen tin rằng tình yêu vốn sẽ không xuất hiện trong kiếp sống hiện tại của bà. “Ở kiếp trước, ta đã ngoại tình, nên đây là nghiệp chướng”, bà giải thích. Khi Elouan lảng tránh không trả lời tin nhắn, tôi tự hỏi liệu mình có phải là đứa lang chạ không. Một chiều, Eileen đề nghị đọc chỉ tay cho tôi. Bà nói đường tình của tôi đang bị thắt nút. “Khốn nạn thật!”, bà nói, “y chang của ta”. Bà nói tôi sẽ không bao giờ kết hôn.

“Cháu đoán đấy là lý do mà cháu chẳng có nổi một mối tình quá ba tháng”, tôi nói.

“Chuẩn đấy”, bà nói. “Nhưng đừng có chán nản thế. Cưng sẽ có nhiều thứ trong cuộc sống: người tình, những chuyến đi và nghệ thuật. Thế thì sao chứ, cưng sẽ chỉ không có chồng thôi”.

Vụ đọc chỉ tay đã xác nhận điều mà tôi vốn nghi ngờ từ lâu: rằng tôi sẽ trở thành một người phụ nữ như Eileen. Số phận đã định tôi sẽ trở thành một kẻ mất trí mơ hồ phóng túng, cô độc và rối rắm, rao giảng các thuyết âm mưu trái khoáy với mấy nhân viên thu ngân, người pha chế cà phê hay những người hàng xóm giàu có – bất cứ ai sẵn lòng lắng nghe.

Trên đường về nhà từ căn hộ của Eileen đêm đó, phê và đang mặc bộ quần áo cũ của bà, tôi gọi cho Elouan. Anh ta không bắt máy. Tôi ngồi một mình trong công viên, nhìn một cặp đôi hạnh phúc đang dắt theo một chú chó Dachshund trong bộ áo thể thao dành của chó. Tôi ghen tị với sự thoải mái và an toàn đó, điều mà, từ bàn tay đang vặn vẹo khốn khổ của tôi cũng biết rằng tôi sẽ chẳng bao giờ được nếm. Cuối cùng thì Elouan cũng nhắn lại: “Chào. Anh bận. Mai nói.”

Nhiều ngày trôi qua mà không nhận được tin gì từ anh ta, cuối cùng tôi cũng thừa nhận là mối quan hệ này đã tèo (bạn biết đấy, vì mấy cái đường chỉ tay). Tôi có thể cũng đã chia tay để tránh cho mình sự đau đớn khi liên tục phải chờ đợi tin nhắn từ anh ta. Sẽ ra sao nếu tôi ngừng lo lắng về việc bị tụt lại so với bạn bè? Sẽ ra sao nếu tôi bớt quan tâm tới chuyện đàn ông thấy tôi gợi cảm, dễ chịu, hay thần kinh có bình thường không?

Đứng trên vỉa hè ở Soho, tôi ghi âm một đoạn thư thoại vĩnh biệt thật dài. Những người phụ nữ trong chiếc quần trắng và áo blazer đi ngang qua khi tôi khóc vào điện thoại: “Em yêu anh nhưng em phải nói tạm biệt thôi. Em sẽ nhớ anh mỗi ngày”. Một tiếng sau, Elouan nhắn để nói rằng anh ta đã nghe thư thoại của tôi. “Với anh, thế là hơi nhiều”, anh ta nói. “Em dành quá nhiều thời gian với người phụ nữ điên rồ ở chỗ làm đấy”.

Một số tên và chi tiết nhận dạng đã được thay đổi.

Hết.

Message No.36

いろいろ捨てると自分が見つかる。
Buông bỏ vài thứ, bạn sẽ tìm thấy bản thân mình

すぐ誰かと比べてしまうクセを捨てる。
Buông bỏ tật so sánh bản thân mình với người khác.
居心地がいいだけの人間関係を捨てる。
Buông bỏ những mối quan hệ chỉ có sự thoải mái
何のとりえもないという思い込みを捨てる。
Buông bỏ suy nghĩ mình chẳng có giá trị gì
ずっと持ち続けてきた価値観を手放すには、
大きな覚悟が必要かもしれません。
Có lẽ cần một sự giác ngộ lớn lao
để từ bỏ giá trị quan cố hữu
でも、一度まっさらにするから見えてくる、
自分にとって大切なことがあるはずです。
Thế nhưng, chỉ cần một lần để bản thân tươi ròng mới lạ,
chắc chắn bạn sẽ nhìn ra có những thứ thực sự quan trọng với mình
はじまりの季節、一歩踏みだす勇気を。
Một mùa mới bắt đầu, hãy lấy dũng khí tiến bước nào!

Karuizawa church – message no.36

Đôi lời chú thích:
Lúc dịch tới dòng nói “Buông bỏ những mối quan hệ chỉ có sự thoải mái”, mình đã khựng lại vài giây. Ủa kỳ vậy? Mối quan hệ thoải mái, vốn hiếm có khó tìm, tìm được thì tốt mà sao có gì phải buông bỏ? Vậy nên mình đã đi tra thêm nghĩa của cụm từ gốc “居心地がいいだけの人間関係“. Vấn đề không phải ở chữ “thoải mái” mà là ở chữ “chỉ có”. Theo như mình tìm hiểu thì trong văn hóa (đặc biệt là hẹn hò) ở Nhật, mối quan hệ “居心地がいいだけの関係” là mối quan hệ quá thoải mái tới mức đôi bên hoặc một trong hai bên coi sự tồn tại của bên kia là đương nhiên, nhiều khi là xem nhẹ, chẳng cần phải cố gắng gì nữa. Tương tự như ở Việt Nam, chúng ta gọi nôm na là “mối quan hệ trở thành thói quen”, hay “nhạt”.

Dạ khúc nửa vầng trăng

Tựa tiếng Nhật: ハーフムーン・セレナーデ
Tựa tiếng Việt: Dạ khúc nửa vầng trăng, Tình Nồng
Tựa tiếng Anh: Half moon serenade
Tựa tiếng Trung: 月半小夜曲

Bài hát là đĩa đơn của ca sỹ Naoko Kawai phát hành năm 1986.

Bài hát ra đời lâu rồi nhưng tận hôm nay mình mới được nghe (hoặc là được nghe một cách có ý thức). Trong lúc lang thang đi tìm mấy video để tập nhịp trên Youtube thì mình thấy có bạn đánh guitar bài này, nghe giai điệu thật hay và quen nhưng không nhớ ra tên bài là gì. Lần mò mãi mới tìm ra, hóa ra là bài Tình nồng, còn có tên khác gần với tên chính thức hơn là “Dạ khúc nửa vầng trăng”. Mình thấy quen là vì đã nghe Mixi Tong cover bằng guitar. Chẳng biết bao giờ cảm âm đủ trình để oánh được bài này.

Ở Việt Nam, và cả ở nước ngoài nữa, mọi người biết tới bài này qua bản tiếng Trung, nên cứ nghĩ đây là nhạc Trung, nhưng đúng ra bài gốc là nhạc Nhật. Đây là để “give credit” cho nền âm nhạc Nhật. Phiên bản tiếng Trung và tiếng Việt mặc dù cũng mang vẻ buồn buồn da diết, nhưng mà ý nghĩa khác, toàn là chia tay li biệt không. Thực ra bài hát là lời nhắn nhủ và hi vọng của cô gái tới người thương. Dù đang tay trong tay hạnh phúc, cô vẫn luôn lo lắng một ngày người đàn ông của cô lạc lối. Cô mong rằng hai người sẽ mãi bên nhau, dù sau này có hóa thành cát bụi tan vào dải ngân hà thì cũng lạc trôi cùng nhau. LOL. Đúng là con gái ngày xưa, nói gì cũng phải ý tứ ví von “những vòm sao lưu lạc nào đó lỡ làm dậy sóng trong lòng anh“.

Bên dưới là bản cover tone của nam, bản mình thích thứ nhì sau bản gốc.

đây có bạn đã tâm huyết dịch lời bài hát rất da diết rồi. Mình ghi lại bên dưới thôi.

あなたのもとへ 届くなら水面に散った 金の枯れ葉を風つまびく音符にして 想い伝える
Nếu em có thể chạm được tới sâu thẳm lòng anh, em sẽ tấu lên những nốt nhạc từ những chiếc lá vàng khô rải rác trên mặt nước gửi vào gió làm thành mong ước của em gửi đến anh.


月の雫を 左手に涙でそっと ひとつにつなぐ
Bàn tay trái của em hứng lấy từng giọt nước mắt dưới ánh trăng.


好きな人と結ばれたい 深く祈るわ
Sâu thẳm tận đáy lòng, em cầu được bền chặt sâu đậm bên người mình yêu.


青春の雲が切れる 季節抱きしめ
Áng mây thanh xuân nào cũng sẽ trôi qua. Em ôm chặt vào lòng từng mùa lặng thầm trôi qua.


誰もみんな ひとりぼっちだから、優しさを愛おしむのね
Vì mọi người, dù là ai chăng nữa, cũng là kẻ đơn côi cả, nên sẽ vì yêu thương mà gìn giữ ân cần với nhau, anh nhỉ?

抱きしめて 遠く あなたの胸の命の響きに 満ちる夢
Hãy ôm em, hãy vĩnh viễn cho em giấc mơ đầy ắp âm hưởng mãi mãi trong vòm ngực anh.

ふたりでいても切なくて あなたの指をぎゅっとかんだの 
Dù hai ta đang bên nhau chăng nữa thì em vẫn cảm thấy đau khổ nhiều. Em sẽ mãi giữ chặt tay anh.

恋をしても男の人 迷わないのね
Khi bước chân vào đường yêu, vì anh là người đàn ông của em, nên chắc sẽ không lạc đường yêu khác đâu, anh nhỉ?

流れ落ちた 星の輪が胸の泉に波を立てれば欠けた月は淋しさに似て 心痛むの
Nếu những vòm sao lưu lạc nào đó lỡ làm dậy sóng trong lòng anh, điều đó sẽ giống như mảnh trăng vỡ, như nỗi đau gây tổn thương trái tim em

美しい瞳のまま どうぞ愛して
Anh hãy cứ yêu em bằng ánh mắt tinh khôi này

幸福をさがす 幸福ふたり
Em đang tìm kiếm hạnh phúc, hạnh phúc của đôi ta

抱きしめて生きてゆけたら
Giá chúng ta có thể ôm chặt lấy nhau và nương tựa vào nhau

離さないで あゝ 時の銀河に流され 大人になろうとも
Chúng ta sẽ không rời xa nhau, cùng nhau trưởng thành, cùng nhau lạc trôi vào giải ngân hà.

Bye 2020! Hi 2021!

Bắt đầu bằng việc nhìn lại 2020, thế giới và mình.

Ngày cuối cùng của năm 2020, mình ngồi xem bộ phim tài liệu trào phúng (mockumentary, ghép từ mock (xỉa xói) và documentary (phim tài liệu)) trên Netflix: “Death to 2020” (Hẹn không gặp lại, 2020) hay link wiki, trong khi vừa hôm 30 cũng xem một bộ phim tài liệu ngắn trên đài NHK G của Nhật có tựa là “世界同時ドキュメント 私たちの闘い「自撮り映像でつづる危機の記録」” (Thế giới trong lúc này: Cuộc đấu tranh của chúng tôi: “cuộc khủng hoảng được ghi lại bằng video tự quay”. ) ” Thế giới trong lúc này” là chuỗi phim tài liệu bao gồm các tư liệu được thu thập trên toàn thế giới vào cùng thời điểm. Đó là hai góc nhìn hoàn toàn khác nhau về cùng một năm không thể nào quên 2020.

“Hẹn không gặp lại, 2020” nhìn từ góc nhìn trào phúng, có lẽ mang mục đích giải trí là chính, bao quát nhiều vấn đề: đại dịch Covid, Brexit… Là một trong những người không bị ảnh hưởng lắm trong năm 2020, mình thấy bộ phim khá hài hước, dù nhiều chỗ phản cảm và kỳ quặc (khi nói về đại dịch kiểu như thế), nhưng với những người còn lại, khi nỗi đau còn chưa lành vết thì bộ phim này hẳn vô cùng phản cảm.

“Cuộc đấu tranh của chúng tôi” ngược lại, là góc nhìn chân thực, tư liệu do chính những người trong cuộc ghi lại về đại dịch Covid. Trong đó có một câu chuyện của một anh ở Ý: anh kể anh nhiễm virus covid, anh vào viện, chữa trị rồi ra viện, mặc dù đã lành bệnh nhưng có một nỗi đau mãi mãi sẽ không thể lành, vì anh chính là người đã lây virus cho bố và ông đã qua đời trong khi anh còn nằm viện. Anh không được từ biệt bố và giờ đây trở về sống trong căn nhà trước đây có hai người giờ trống trải chỉ còn một người. Anh nói anh sẽ giữ căn phòng của bố trong một thời gian dài. Ngoài ra còn rất nhiều những câu chuyện tự kể từ khắp nơi trên thế giới: cô bác sĩ ở Pháp làm việc liên tục nhiều giờ không ngủ, chỉ được gặp chồng và con vào cuối tuần; cô gái ở New York dù không biết gì về công nghệ đã tìm cách lắp ráp cái máy in 3D để in và làm mặt nạ kính phát cho nhân viên ga tàu điện ngầm. Cô ấy bảo phải có ai đó làm gì đó, nếu không ai làm thì tôi sẽ làm. Có câu chuyện về một anh sống ở vùng nào đó mình không nhớ, lái xe ngày đêm tới New York để làm tình nguyện. Có câu chuyện của một nghệ sĩ Opera, nhớ hát và muốn được hát, ngày ngày bác ấy ra ban công hát cho cả xóm nghe và trò chuyện với bác hàng xóm. Xem những câu chuyện như vậy, mình nhận ra trong nghịch cảnh, nghị lực và hy vọng của con người có thể mạnh mẽ đến thế nào.

Đó là thế giới. Còn đối với mình, đại dịch Covid chỉ làm thay đổi cuộc sống của mình chút đỉnh, không có gì kịch tính, là những chuyện cá nhân hàng ngày thôi. Nó đã thay đổi cách mình làm việc: thay vì tới công ty thì làm ở nhà, thay vì dậy sớm từ 7h dậy trang điểm, pha cà phê, đi tàu, đọc sách thì rút gọn lại thành 8:30 dậy, pha cà phê, bước vài bước tới bàn làm việc, đọc sách ít hẳn đi, nhưng làm việc tập trung hơn. Khi mới bắt đầu làm việc ở nhà, mình đã kỳ vọng đây là cơ hội để thiết lập thói quen buổi sáng, nhưng sau một năm nhìn lại, đây quả là ảo tưởng sức mạnh =.=! Nếu có gì đó gọi là thành tựu đáng tự hào thì đó là 3 việc: học thêm được món mới là chơi đàn ghi-ta, cải tổ nhà cửa và quản lý tài chính. Những mục tiêu khác như thói quen buổi sáng, luyện viết, eat clean, chạy, đọc sách… đều chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, dù có tiến bộ chút xíu. Hóa ra ba việc mình làm được lại là những việc mình bắt đầu ngẫu hứng và chẳng hề kỳ vọng gì nhiều, cứ làm từng chút vậy thôi mà lại được.

Từ đầu tháng Tư mình bắt đầu nghiêm túc tập luyện đàn ghi-ta. Bắt đầu bằng luyện ngón, học nhạc lý, rồi tới tập các hợp âm đơn giản. Nhạc lý cơ bản thì trên youtube có nhiều bài giảng rất dễ hiểu như chuỗi bài nhạc lý của anh Hoangguitar2210. Luyện ngón mới là thứ mình chật vật. Mình tập theo chuỗi bài luyện ngón vô cùng chi tiết của bạn Thuận guitar và nhiều nguồn khác: bạn Haketu, bạn Quỳnh Lemo, anh Hiển Râu, GuitarLessons365, Joe Walker

Thời gian đầu rất dễ nản. Các ngón tay trái đau và còn không chịu theo ý mình, có hôm tập hăng quá ngủ dậy cả cánh tay trái đau nhức. Các ngón cứ bấm trật dây hoài, rồi vươn không tới. Ngón giữa và ngón áp út mãi không chịu tách ra. Ngón út còn yếu nên bấm cứ bị tịt nốt… Sở dĩ mình vượt qua được giai đoạn này vì thời gian ở nhà nhiều, đi ra đi vô thấy cây đàn treo đó cắn rứt lương tâm nên ráng tập chút một chút một. (Nhân tiện, chiêu để đàn nơi dễ thấy này mình học được từ cuốn Atomic Habits). Những lúc nản quá, tay đau quá, mình vẫn vứt cây đàn đó đi đọc sách hay xem phim, khi thấy muốn tập lại lấy ra tập tiếp. Tại mình sợ ép uổng quá chán tập hẳn thì tèo. Rồi từng ngày từng ngày, tay bớt đau dần, bấm ít trật dần, ngón di chuyển nhanh và mượt mà dần. Bí quyết là chia nhỏ tập từng thứ một, giải quyết từng vấn đề một từ đơn giản tới phức tạp. Lúc đầu luyện ngón chỉ tập di chuyển 2 ngón, rồi 3 ngón, rồi 4 ngón. Mình tập vẫn trầy trật thôi, nhưng khi quay lại tập những bài trước đây mình thấy khó giờ lại làm ngon ơ, mình biết là mình đã tiến bộ. Nếu có cảm thấy thất bại thì mình biết đó là tại mình đang chuyển qua những bài tập khó hơn. Rồi tới tập hợp âm: bắt đầu bằng những hợp âm chỉ có 2 ngón, 3 ngón thôi, vậy mà đổi hợp âm qua lại cũng trầy trật. Đổi hoài cũng không đồng bộ, không kịp nhịp được, mình cứ đi tìm “cách để đổi hợp âm cho nhanh… blah blah” để xem có mẹo gì không, nhưng rồi giờ đây khi nhìn lại, mình nhận ra chỉ có một cách: luyện tập và luyện tập, từ chậm tới nhanh cùng metronome, không có đường tắt.

Sau 6 tháng, giờ thì mình chơi đệm hát được vài bài hát yêu thích ở tone C/Am và G/Em. Bài hát đầu tiên tập trầy trật phải cả tháng. Những bài sau thì nhanh dần: 2 tuần, 1 tuần, vài ngày… Giờ thì mình đang tập chơi mở bài (intro) để chuyển dần qua tập fingerstyle. Sau 8 tháng tập luyện, tập đàn giờ đây không còn là thứ mình cần triệu tập ý chí để làm mà nó đã thành thú vui và là nơi mình lấy lại sự tĩnh tại trong tâm hồn, giống như đọc sách. Làm việc căng thẳng? lấy đàn ra chơi; có chuyện phiền lòng? lấy đàn ra hát một bài, vậy là trong lòng an tĩnh trở lại.

Đọc sách: mục tiêu là 24 cuốn, 6 cuốn tiếng Anh, 1 cuốn tiếng Nhật, giảm số sách đọc dở xuống 5 cuốn. Kết quả: đọc được 36 cuốn, 12 cuốn phi hư cấu (33%), vừa đủ 6 cuốn tiếng Anh, không đọc được cuốn tiếng Nhật nào, chỉ hoàn thành được 7 cuốn đọc dở từ năm ngoái, bỏ vài cuốn về lại sách chưa đọc, số sách đọc dở hiện tại là 13 cuốn. Viết được 2 review tử tế cho cuốn Jane Eyre và Phải trái đúng sai và tầm 24 review ngắn ngắn trên goodreads. Đọc sách vốn không quan trọng số lượng, nhưng để đánh giá mục tiêu thì đành dùng tới con số thôi. Về chất lượng: năm nay chắc chỉ có 2 sao. Số sách gọi là đáng đọc chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là sách chọn từ năm kia, còn những cuốn năm ngoái tự chọn đều là dựa trên cảm tính thất thường. Đoạn này sao tự dưng nghe lạnh lùng căng thẳng quá ^^! Năm kia và năm ngoái mình đọc được hai cuốn về thói quen là “Power of habit” (Sức mạnh của thói quen) và “Atomic habits” (Thói quen nguyên tử). Cả hai cuốn đều có văn phong rất hay, nội dung trình bày khoa học, thực tế và mang tính áp dụng cao. Trong năm ngoái mình đã áp dụng được vài chiêu để “lừa” bản thân bớt lười và làm được cơ số việc. Đọc sách cũng có ích đó chớ.

Giờ tới 2021 nè. Mình đã dành suốt mấy ngày của kỳ nghỉ lễ để suy nghĩ xem mình muốn làm gì với 2021. Dù có lạc quan hết cỡ thì hẳn là nửa đầu 2021 cũng sẽ không khác gì với 2020. Không đi được đâu xa thì ở nhà với đàn và sách vậy.

Mục tiêu chính của năm nay là:

  • Hình thành thói quen ngủ sớm dậy sớm và tận hưởng buổi sáng: ngủ 10 giờ dậy 6h, ăn sáng, đọc và viết.
  • Ăn uống lành mạnh, học nấu ăn.
  • Sách: 24 cuốn như mọi năm. Mục tiêu sách tiếng Anh năm nay là 12~ cuốn do vừa đăng ký audible nên mỗi tháng sẽ nghe 1 cuốn. Mục tiêu sách tiếng Nhật vẫn là 1~ cuốn. Mục tiêu sách phi hư cấu là 40%~.
  • Đàn guitar: chơi được 1 bài kèm intro hoàn chỉnh và tới cuối năm chơi được 1 bài fingerstyle đơn giản.
  • Chạy 3 lần 1 tuần.
  • Vài mục tiêu khác.

Vậy đó, hẹn cuối năm xem làm được tới đâu ha.

The learning curve dip – Vì sao ta hay bỏ cuộc giữa chừng?

Mình không phải là một đứa kiên nhẫn. Mình cứ học đàn, rồi bỏ đàn, rồi lại học lại cứ thế suốt hơn 10 năm nay. Thế nhưng lần gần đây nhất học đàn trở lại, mình đã đi xa được hơn những lần trước đây rất nhiều, nhưng mình cứ sống trong thấp thỏm: “Chẳng hiểu lần này đi được tới bao giờ?”. Hôm nay mình tình cờ biết đến nguyên lý về “Khoảng chùng trong đường cong học tập” (The learning curve dip), và mọi thứ trở nên.. sáng rõ :))

Khái niệm “Khoảng chùng” (The Dip) được đưa ra lần đầu tiên bởi Seth Godin trong cuốn sách cùng tên: “Khoảng chùng là khoảng cách dài giữa chó ngáp phải ruồi và thành tựu thật sự. Nó là bức tường vô hình ngăn những người như bạn (và mình) ở ngoài… Những kết quả phi thường chỉ đến với những người hiếm hoi có thể kiên trì tiến từng chút một lâu hơn những kẻ khác.”

Trích trong bài viết của bạn Alice Strenger trên medium, khi kết hợp khái niệm “Khoảng chùng” với khái niệm “Các cung bậc cảm xúc của sự thay đổi” (Emotional stages of Change), chúng ta sẽ có 5 cung bậc:

https://medium.com/@alice_strenger/transcending-the-dip-43fe773ef6b8

– Bậc 1: Lạc quan thiếu hiểu biết: Bạn có tầm nhìn, có ý tưởng, có giải pháp, có mục đích. Bạn bị cuốn vào: ồ, cái này thật hấp dẫn, thật vi diệu, rồi đây đời sẽ nở hoa… blah blah. Bạn tràn đầy hy vọng, và cứ thế tiến tới thôi.

– Bậc 2: Bi quan có hiểu biết: Đời bắt đầu vả vào mặt bạn và bạn nhận ra mọi thứ không dễ dàng như bạn tưởng. Trở ngại có thể đến từ ngoại cảnh hoặc từ chính bản thân bạn. Bạn bắt đầu tự vấn bản thân, nhưng bạn cũng nhìn vấn đề rõ hơn trước. Lúc này nhiều người sẽ từ bỏ (sao mọi người làm dễ thế mà, chắc thứ này không dành cho mình, mình không có năng khiếu… khó quá bỏ qua), một số ít người vẫn kiên trì tiến tới.

– Bậc 3: Vực sâu tuyệt vọng: Ý tưởng mà bạn tưởng chừng như vi diệu lúc ban đầu thực ra không tuyệt như bạn nghĩ, nhiều vấn đề vượt quá sức của bạn. Tâm trí bạn bắt đầu chia hai, nửa nghĩ bạn đúng, nửa nghi ngờ bạn. Rồi bạn kiệt sức khi nghĩ tới chặng đường dài phía trước. Rồi bạn nhận ra mình có một lựa chọn: bỏ cuộc. Lúc này, có người sẽ bỏ cuộc hẳn, có người quay trở lại làm đi làm lại những thứ quen thuộc, chỉ có một số ít người kiên trì tiến tới từng chút một. Seth Godin khuyên chúng ta rằng khi đang ở dưới vực sâu tuyệt vọng, chúng ta phải tự hỏi chính mình: “Chuyện này có thực sự xứng đáng với thời gian và năng lượng để ta kiên trì theo đuổi tới cùng?”. Khi bạn tuyệt vọng là bạn đã mất hết cả hy vọng, con đường trước mặt chẳng có gì ngoài tăm tối. Sẽ rất khó, thực sự khó để tiến về phía trước. Nhưng một khi bạn chắc rằng bỏ ra nỗ lực cho điều này là xứng đáng, bạn sẽ bước qua bậc tiếp theo.

– Bậc 4: Lạc quan có hiểu biết: Bạn biết sẽ có trở ngại, đời sẽ còn cho bạn ăn hành dài dài, nhưng gì đi nữa thì bạn cũng biết là nó đáng. Khả năng lớn là bây giờ bạn không còn cô độc nữa. Bạn đã có bạn đồng hành, hay đã tìm thấy một hội nhóm những người “cùng cảnh ngộ”, như một nhóm những người cùng học thứ như bạn, cùng chia sẻ kinh nghiệm, cùng nâng đỡ mỗi khi bạn gặp bế tắc, là nguồn cảm hứng để bạn tiến tiếp. Bạn cũng nhận ra kẻ thù thực sự không phải là trở ngại mà là những hệ thống và những tính cách cố hữu trong bạn chỉ chăm chăm hạ thấp mục tiêu của bạn và đẩy bạn trở lại vực sâu. Giờ đây bạn đã hiểu bản thân hơn, hiểu bạn đang đối mặt với cái gì, rồi bạn bắt đầu điều chỉnh lại kế hoạch và mục tiêu để vượt qua từng chướng ngại. Bạn kiên định để trở nên tốt hơn mỗi ngày và nhắm đỉnh núi thẳng tiến.

– Bậc 5: Thành công và thỏa mãn: Bạn đã kiên định và bạn trở nên tốt hơn. Thế giới dường như cũng trở nên tốt đẹp hơn.

Trích từ bài viết của Nat Eliason: Khái niệm “Khoảng chùng” thực ra không mới. Những nhà khởi nghiệp đã biết đến nó từ cả thế kỷ, mà Fred Wilson và Paul Graham gọi nó là “Máng sầu” (Trough of Sorrow).

https://www.nateliason.com/blog/motivation

Hay Tim Ferris cũng từng viết về đường cong tương tự trong cuốn “Đầu bếp 4 giờ” (The 4-hour chef) để mô tả quá trình học ngoại ngữ của ông:

https://www.nateliason.com/blog/motivation

Có một mẫu số chung ở đây: dù là bạn đang học ngoại ngữ, mở công ty khởi nghiệp, hay bất kỳ một dự án sáng tạo nào thì đều có một khoảng chùng trên quá trình. Đó là một khoảng thời gian dài bạn bị thiếu động lực, thiếu hứng thú, toàn những thử thách thiếu hấp dẫn. Hầu hết mọi người đều bỏ cuộc ở khoảng chùng này. Nhưng nếu bạn xoay xở làm sao để vẫn tiếp tục đi tiếp, bạn sẽ đi được tới cùng và phần thưởng sẽ rất tuyệt: bạn nói lưu loát một ngôn ngữ mới, bạn chơi được đàn theo ý mình hay thậm chí kiếm sống nhờ đàn hát, công ty của bạn tạo ra giá trị, bạn trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực… Chỉ cần vào giây phút mất hết động lực và hy vọng, bạn tự quyết định rằng điều này là xứng đáng.

[Thơ] Đừng tưởng…

Đừng tưởng gần nhau suốt cuộc đời
Bèo mây hội ngộ chút rồi trôi
Mai người đi, ở ai nào biết
Giận mà chi, cười tha thứ thôi!

Đừng tưởng bình minh mãi nắng hồng
Bất ngờ ập tới bão cùng giông
Chớ vội bi quan dù thất bại
Cũng đừng tự mãn dẫu thành công..

Đừng tưởng mùa Xuân sẽ rất dài..
Trong màu Mai thắm ẩn tàn phai..
Hời hợt, chỉ trau dồi dáng vẻ
Sâu sắc, điểm trang Đức lẫn Tài..

Đừng tưởng người ta sẽ tốt hoài
Lòng người mưa nắng, một rồi hai..
Khôn khéo dặn lòng tin một nửa..
Nếu đổi thay.. mình không đắng cay..

Đừng tưởng tình yêu sẽ vĩnh hằng
Ngày vui chưa trọn đã băn khoăn..
Duyên phận vô thường.. ai nói được..
Nên tập mở lòng yêu thế nhân…

Đừng tưởng mình đây sẽ sống đời
Miệt mài tranh chấp mãi không ngơi
Đời này kiếp tới trong hơi thở.
Về, lặng nghe chuông.. nhẹ mỉm cười…

Như Nhiên – Thích Tánh Tuệ

Tình cờ đọc được bài thơ này, chỉ vì câu này mà đi cóp nhặt về:

Duyên phận vô thường.. ai nói được..
Nên tập mở lòng yêu thế nhân…

[Book review] Jane Eyre – Charlotte Brontë

I am no bird; and no net ensnares me: I am a free human being with an independent will.

Nhà Brontë có 4 người con thì 3 trong số đó là nhà văn: chị cả Charlotte, em thứ Emily và em gái út Anne. Chị em họ mồ côi mẹ từ bé, rất gắn bó với nhau, cùng có trí tưởng tượng phi thường và niềm đam mê với sách và viết văn. Nhờ một lần Charlotte tình cờ đọc lén những bài thơ mà Emily sáng tác, Emily đã nổi giận nhưng cô cũng vô tình tiêm nhiễm vào đầu Charlotte ý tưởng trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Emily chỉ hy vọng nó có thể nuôi sống họ mà không cần phải đi gõ đầu trẻ nữa, chỉ có Charlotte là người duy nhất có tham vọng đạt được danh tiếng ( 1). Họ cùng nhau quyết định mỗi người sẽ viết (và hy vọng xuất bản được) một cuốn tiểu thuyết. Và đó là bối cảnh ra đời của Jane Eyre (Charlotte Brontë), Đồi gió hú (Emily Brontë) và Agnes Grey (Anne Brontë), và tất nhiên, cả những tác phẩm khác của ba chị em họ nữa.

Nếu nhân vật Catherine trong Đồi gió hú của Emily Brontë có sắc đẹp nhưng tính khí thất thường, thì nhân vật Jane Eyre của Charlotte Brontë chính là trái ngược với Catherine.

Cuộc đời có thể không ưu ái cho Jane Eyre nhan sắc, nhưng bù lại đã cho cô một trí óc sáng suốt, có thể nói là sáng suốt nhất trong số tất cả các nhân vật nữ chính trong những cuốn tiểu thuyết kinh điển mà tui đã đọc (ok, chỉ sau the woman của Sherlock Holmes, cô này ở một đẳng cấp khác, và cổ cũng không phải nữ chính). Xuyên suốt cả tác phẩm, dù còn nhỏ hay đã trưởng thành, dù bị ghét bỏ hay được yêu thương, dù nghèo đói hay giàu sang, Jane Eyre chưa từng đánh mất bản thân, sống không thật với chính mình hay hành động mù quáng.

Cuộc đời phú cho cô cả một óc quan sát sắc bén nữa. Có những người sống cả đời cũng chẳng bao giờ thắc mắc bản chất của mọi sự xung quanh, nhưng cô, vừa đặt chân tới một nơi xa lạ đã nhận ra ngay những điểm đặc biệt. Bạn có thể bảo rằng vì cô mới tới nên dễ dàng nhận ra, nhưng không, không phải ai cũng làm được như vậy. Phải có óc quan sát và tinh ý mới nhận ra được. Đó là điều tui vô cùng ngưỡng mộ ở nhân vật này.

Đôi khi chúng ta không biết mình khao khát tự do chừng nào cho tới khi ai đó chỉ tay vào một cái hộp và bảo ta “Hãy ở trong đó!”, ta mới thảng thốt kêu lên “Không đời nào!”. Duy có một lần cô đã phải viện tới tác động bên ngoài để nhận ra mình thực sự muốn gì. Jane Eyre quyết liệt từ chối một thứ mà cô hằng mong ước, vì chấp nhận nó sẽ trái với giá trị đạo đức mà cô coi trọng, và cô đã quyết định ra đi. Phải tới khi cô sắp để mình dấn thân vào một mối ràng buộc thì cô mới nhận ra thứ mình thật sự muốn là gì. Và nhận ra chỉ là một chuyện, lấy hết dũng khí để đi tìm câu trả lời mới thực sự mang lại một cái kết có hậu cho chính cô.

Phải thừa nhận là câu chuyện có vài yếu tố… gọi là gì cho đúng? “may mắn từ trên trời rớt xuống”? khiến cho nó có vẻ không thật và làm giảm bớt giá trị của tác phẩm chút xíu, và tuyến nhân vật cùng bối cảnh xã hội hơi hẹp ra, thì nhìn chung, đây là một tác phẩm đáng đọc, tâm lý nhân vật được mô tả tinh tế, chính xác, và có nhiều điều để cảm nhận từ tính cách gai góc của cô nàng Jane Eyre (và cả các nhân vật khác).

Một vài trích dẫn đáng nhớ từ tác phẩm (phần dịch là trích từ bản tiếng Việt, không phải mình dịch, mặc dù có chỉnh đôi chỗ):

– Jane, be still; don’t struggle so like a wild, frantic bird, that is rending its own plumage in its desperation.

– I am no bird; and no net ensnares me: I am a free human being with an independent will…

Edward Rochester, Jane Eyre, Charlotte Brontë

“- Jane à, bình tĩnh lại đi, đừng vùng vẫy như một cánh chim hoang chỉ vì thất vọng mà bứt tung cả lông mình lên như vậy.
Tôi không phải là chim, và cũng chẳng chiếc lồng nào giam giữ được tôi. Tôi là một kẻ tự do, có ý chí không phụ thuộc vào ai cả…”

I care for myself. The more solitary, the more friendless, the more unsustained I am, the more I will respect myself.

Jane Eyre, Charlotte Brontë

“Tôi lo cho bản thân tôi. Tôi càng đơn độc, không bạn bè, không nơi nương tựa thì tôi càng tự trọng”

I am not an angel,’ I asserted; ‘and I will not be one till I die: I will be myself. Mr. Rochester, you must neither expect nor exact anything celestial of me – for you will not get it, any more than I shall get it of you: which I do not at all anticipate.

Jane Eyre, Charlotte Brontë

“Em không phải là một nàng tiên và mãi mãi chẳng thể trở thành một nàng tiên của ông được, dù thế nào thì em cũng chỉ là em thôi. Ông Rochester ạ, đừng trông chờ và cũng đừng nên đòi hỏi ở em một điều gì không thể có, vì ông sẽ chẳng bao giờ thấy được điều đó ở em, cũng như em chẳng thể thấy điều đó ở ông. Mình nên sống với thực tại thì hơn.

Rất thực tế và sáng suốt nữa. Nhắc tới mới nhớ, điều tui thích thứ hai chính là những đoạn hội thoại giữa Jane và Mr. Rochester.

As much good-will may be conveyed in one hearty word as in many.

Jane Eyre, Charlotte Brontë

“Nói ra bằng sự chân thành tự đáy lòng mình thì đâu cần phải nhiều lời làm gì.”

The flame flickers in the eye; the eye shines like dew; it looks soft and full of feeling; it smiles at my jargon: it is susceptible; impression follows impression through its clear sphere; where it ceases to smile, it is sad; an unconscious lassitude weighs on the lid: that signifies melancholy resulting from loneliness. It turns from me; it will not suffer further scrutiny; it seems to deny, by a mocking glance, the truth of the discoveries I have already made,–to disown the charge both of sensibility and chagrin: its pride and reserve only confirm me in my opinion. The eye is favourable.

As to the mouth, it delights at times in laughter; it is disposed to impart all that the brain conceives; though I daresay it would be silent on much the heart experiences. Mobile and flexible, it was never intended to be compressed in the eternal silence of solitude: it is a mouth which should speak much and smile often, and have human affection for its interlocutor. That feature too is propitious.

I see no enemy to a fortunate issue but in the brow; and that brow professes to say,–‘I can live alone, if self-respect, and circumstances require me so to do. I need not sell my soul to buy bliss. I have an inward treasure born with me, which can keep me alive if all extraneous delights should be withheld, or offered only at a price I cannot afford to give.’ The forehead declares, ‘Reason sits firm and holds the reins, and she will not let the feelings burst away and hurry her to wild chasms. The passions may rage furiously, like true heathens, as they are; and the desires may imagine all sorts of vain things: but judgment shall still have the last word in every argument, and the casting vote in every decision. Strong wind, earthquake-shock, and fire may pass by: but I shall follow the guiding of that still small voice which interprets the dictates of conscience.’

Sibyl, Charlotte Brontë

“Những ánh lửa lung linh trong mắt, ánh mắt long lanh như những giọt sương, trông dịu dàng và chứa đầy cảm xúc. Nó mỉm cười vì những lời kỳ lạ của ta. Nó nhạy cảm quá, mọi cảm xúc cứ lần lượt trôi qua trong ánh sáng ấy. Khi ánh mắt hết cười, cái u buồn lại lập tức ập đến. Sự mệt mỏi vô thức đè nặng lên mi mắt, cho thấy ưu phiền của những chuỗi ngày sống trong cảnh chăn đơn gối chiếc. Nó quay đi, không nhìn ta nữa, vì không muốn bị soi xét tỉ mỉ hơn. Có vẻ như cái nhìn nhạo báng, thách thức kia đang định phủ nhận cái sự thực mà ta đã khám phá, phủ nhận cả cái nhạy cảm và nỗi phiền muộn u hoài hằn sâu lên dáng dấp của nó. Vẻ kiêu hãnh và sự dè dặt của nó chỉ càng khẳng định ý nghĩ của ta là đúng mà thôi. Đôi mắt được lắm.

Còn cái miệng, đôi khi rất gợi cảm khi cười, có thể nói ra tất cả mọi quan niệm trong đầu, cho dù chưa chắc đã chịu nói ra những nỗi niềm trong tim. Nhưng nó cũng linh hoạt, uyển chuyển, chẳng bao giờ chịu kìm nén mãi trong sự câm lặng vĩnh cửu của cảnh cô đơn. Đáng lẽ đó phải là cái miệng nói nhiều hơn, cười cũng nhiều hơn, và có tình thương yêu nhân bản với người nói chuyện với nó. Cái miệng quả thật cũng rất nét.

Ta không thấy có kẻ thù nào cản trở đường may mắn ngoài đôi lông mày kia ra. Đôi lông mày như xác nhận: ‘Mình có thể sống cô đơn nếu lòng tự trọng và hoàn cảnh bắt mình phải làm như vậy. Mình đâu cần phải bán tâm hồn đi để mua hạnh phúc. Mình có cả một kho báu được sinh ra cùng với mình, có thể giúp mình tồn tại trên đời nếu mọi ham muốn khoái lạc không chính đáng đều không động chạm đến mình, hoặc chỉ đưa ra một cái giá mà mình không thể kham nổi”. Còn vầng trán tuyên bố: “Lý trí ngồi thật vững vàng và cầm dây cương, không để cho cảm xúc bùng lên và xô đẩy nó xuống vực thẳm hoang tàn. Các dục vọng có thể lồng lộn cuồng loạn như những kẻ ngoại đạo chính cống. Và cho dù các ham muốn có thể tưởng tượng ra đủ chuyện hồ đồ, nhưng sự phán quyết bao giờ cũng vẫn cho lời kết thúc cuối cùng trong mọi cuộc tranh luận, và sẽ là tiếng nói có trọng lượng hơn cả trong mọi quyết định. Cuồng phong, trời rung đất chuyển, bão lửa tràn qua cũng chẳng hề gì, mình vẫn cứ tuân theo sự đưa đường chỉ lối của cái tiếng nói nho nhỏ mang thông điệp của lương tâm ấy’.”

Khuôn mặt của Jane được bảo là không đẹp, nhưng qua những lời mô tả như kia, còn ai để ý tới vẻ ngoài nữa nếu bên trong đó chứa đựng một tâm hồn đẹp đến thế kia?

It is in vain to say human beings ought to be satisfied with tranquillity: they must have action; and they will make it if they cannot find it. Millions are condemned to a stiller doom than mine, and millions are in silent revolt against their lot. Nobody knows how many rebellions besides political rebellions ferment in the masses of life which people earth. Women are supposed to be very calm generally: but women feel just as men feel; they need exercise for their faculties, and a field for their efforts, as much as their brothers do; they suffer from too rigid a restraint, too absolute a stagnation, precisely as men would suffer; and it is narrow-minded in their more privileged fellow-creatures to say that they ought to confine themselves to making puddings and knitting stockings, to playing on the piano and embroidering bags. It is thoughtless to condemn them, or laugh at them, if they seek to do more or learn more than custom has pronounced necessary for their sex.

Jane Eyre, Charlotte Brontë

“Thật vô ích khi nói rằng con người nên thỏa mãn với cuộc sống an phận thầm lặng, vì phàm đã làm người thì phải năng động, và nếu chưa năng động thì phải tìm cách mà tạo ra. Trên đời này có hàng triệu người cam chịu cảnh an bài hơn tôi, nhưng cũng có hàng triệu người âm thầm cưỡng lại số mệnh. Không ai biết ngoài những cuộc nổi loạn về chính trị còn có bao nhiêu cuộc nổi loạn khác đang lên men trong đám quần chúng sống trên chốn hồng trần này. Phụ nữ thường bị coi là những người quen an phận, nhưng thực ra họ cũng cảm nghĩ y như những người đàn ông. Họ cần thể hiện những phẩm chất thiên phú của mình và cần có đất cho các nỗ lực của mình như những người anh em nam giới. Họ đau khổ vì những gò ép ác nghiệt, vì sự trì trệ tù túng như những người đàn ông phải đau khổ. Thật là hẹp hòi khi nói rằng phụ nữ thì chỉ nên quanh quẩn với chuyện bếp núc, khâu vá thêu thùa và dạo dương cầm. Chỉ những kẻ không biết nghĩ mới kết tội hoặc chê cười phụ nữ khi thấy họ cố gắng hoặc học giỏi để vượt ra ngoài những quan niệm thông thường về giới tính.”

Tác phẩm này xuất bản năm 1847, vậy nên có thể nói, Jane Eyre chính là đi trước thời đại tới 100 năm. Ca khúc mở đầu cho bộ phim Anne with an E, Ahead by a century dành cho cô bé Anne tóc đỏ cũng nên được dành cho cả Jane Eyre nữa.

There is no happiness like that of being loved by your fellow-creatures, and feeling that your presence is an addition to their comfort.

Jane Eyre, Charlotte Brontë

“Quả thực là chẳng còn gì hạnh phúc hơn khi được mọi người xung quanh yêu mến và khi cảm thấy sự có mặt của mình đã làm cho mọi người thêm vui.”

[Tóm tắt + cảm nhận] Phải trái đúng sai

Hôm nay tình cờ đọc được bài viết về PHỎNG VẤN MICHAEL SANDEL VỀ CÔNG BẰNG trên bookhunterclub khiến mình nhớ lại cuốn sách hay nhất đọc được trong năm 2019. Cuốn sách này tình cờ rớt vào tay mình qua một buổi trao đổi sách. Lúc ấy chọn nó chỉ vì tình cờ, mình không có ý muốn lấy thêm sách phi hư cấu nữa (vì nhà có đủ rồi), nhưng vì mang sách đi đổi mà chưa chọn được cuốn nào mang về, mà nó là cuốn còn sót lại chẳng ai lấy. Lúc ấy mình chỉ nghĩ, một cuốn sách ai đó mang đi trao đổi thì có lẽ cũng bình thường thôi. Bây giờ mình cũng chẳng nhớ bạn ấy là ai, nhưng nếu bạn ấy thực sự biết giá trị của cuốn sách mà vẫn sẵn lòng đem cho đi để chia sẻ thì mình thật ngưỡng mộ bạn ấy lắm. Là mình mình không làm được như thế, trừ khi mình tình cờ có 2 cuốn =.=. Lúc cầm cuốn sách trên tay, mình chẳng hề có chút ý tưởng về Michael Sandel là ai và mình đang dấn thân vào cái thứ gì. (Sau mới biết bác là học giả nổi tiếng và cuốn sách cũng nổi tiếng mức nào o_O). Nếu biết trước liệu sức ảnh hưởng của nó có bớt đi? Mình sẽ chẳng bao giờ biết. Thường bạn sẽ chẳng bao giờ biết trước điều gì sẽ bước vào và thay đổi mình mãi mãi. Sau này nhìn lại bạn mới nhận ra.

Mình đã không biết đây không phải là cuốn sách phi hư cấu bình thường, không phải kiểu sách đọc để lấy thông tin rồi cất lại lên giá sách. Đây là kiểu sách đọc xong, độc giả sẽ không còn là mình lúc trước khi đọc (ít ra là những độc giả như mình, không biết trước về cuốn sách) và sẽ không ngừng nghĩ về những gì đã đọc, lâu lâu lại lấy ra đọc lại (như mình hôm nay).

Nhìn tên có thể đoán cuốn sách nói về “Công lý”. Cuốn sách đặt ra câu hỏi “Thế nào là công bằng?”. Hẳn là khi nghe câu hỏi, mọi người đều có thể dễ dàng đưa ra câu trả lời cho mình.

Chia đều không phải lúc nào cũng công bằng

Gần đây cuộc bầu cử ở Mỹ đang thu hút dư luận ghê lắm. Mọi người đều tập trung chú ý vào 2 ứng cử viên mạnh nhất: tổng thống đương nhiệm Donald Trump, đại điện đảng Cộng Hòa và ứng viên được cho là đối thủ Joe Biden, đại diện đảng Dân Chủ. Cá nhân mình không thực sự quan tâm tới nước Mỹ nói riêng, mà quan tâm tới điều mà quốc gia đó (và cả các quốc gia khác) đang theo đuổi hơn, đó là “công bằng xã hội” và “tự do cá nhân”. Mọi quốc gia đều mong muốn dung hòa cả hai, nhưng điều đó chẳng dễ dàng gì.

“Thế nào là công bằng?” Khi mình đưa ra câu trả lời, mình đã nghĩ nó luôn đúng. Nhưng rồi có thật vậy không? Cuốn sách này đã thách thức quan điểm của mình, bắt mình phải nghĩ sâu hơn, nhìn vấn đề một cách phức tạp hơn. Nguyên tắc trước đây tưởng là đúng thực ra có thể không còn đúng vào tình huống khác và ngược lại. Giờ thì mình không còn chắc chắn nữa. Haha, đôi khi nghĩ quẩn: “Có khi không đọc sách tốt hơn, ít ra mình có thể chắc chắn về một điều gì đó”. Càng đọc thì càng chắc chắn duy nhất một điều “Chẳng có gì là chắc chắn 100% cả”. (Trừ các tiên đề. Dù sao phải có thứ gì để mọi thứ khác gá vào chứ???)

Đọc tới giữa chừng mình mới nhận ra đây là một cuốn sách TRIẾT HỌC với ánh đèn nhá sáng!!! Lúc phát hiện ra thì mình đã lún quá sâu vào chủ đề này, rút chân ra không kịp.

Bằng những ví dụ thực tiễn, tác giả cụ thể hóa 3 ý tưởng triết học trả lời cho câu hỏi “Thế nào là công bằng?”:

THUYẾT VỊ LỢI nghĩa là tối đa hóa hạnh phúc, mà Jeremy Bentham là người ủng hộ nhiệt tình. Minh họa cho thuyết này chính là ví dụ kinh điển về xe điện đứt phanh (tình huống này rất nổi tiếng, được Michael Sandel đưa ra trong những lớp học của ông, và mình còn gặp nó trước khi đọc sách qua bộ phim “The Good place”). Hãy tưởng tượng bạn là người đang lái con tàu lao đi với vận tốc 96km/h. Phía trước có 5 công nhân đang làm việc trên đường ray, không để ý tới xe điện đang lao về phía họ. Bạn kéo phanh nhưng phanh không ăn. Nếu tai nạn xảy ra 5 công nhân sẽ chết. Và bạn chợt nhìn sang đường ray bên phải, phía đó chỉ có 1 công nhân. Bạn có quyết định bẻ lái sang phải, hi sinh 1 người để cứu 5 người? Tui đoán nhiều người trả lời “Có”. Nếu buộc phải chọn thì tui cũng chọn có, vì đó là giải pháp tối ưu (nhưng có đúng về đạo đức không thì không chắc). Thuyết vị lợi là vậy.

Giờ đổi một chút, tình huống xe điện vẫn vậy, vẫn là xe điện đang lao về phía 5 công nhân nhưng bạn không phải người cầm lái nữa mà là khách qua đường trên một cây cầu bắc ngang qua đường ray. Có một người đàn ông rất to béo đứng cạnh bạn trên cầu. Nếu đẩy người đàn ông đó xuống, bạn sẽ dừng được xe điện và cứu sống 5 người. (Giả sử bạn có thể tự nhảy nhưng bạn quá gầy để dừng xe điện). Liệu bạn có muốn đẩy người đàn ông đó xuống? Hẳn số người có thể chắc chắn trả lời “Có” sẽ giảm đáng kể mặc dù vẫn là hi sinh 1 người để cứu 5 người, Thuyết vị lợi đúng trong tình huống trên không còn hoàn toàn đúng trong tình huống này nữa. Vì sao?

Nếu đọc sách thì còn nhiều tình huống thú vị khác nữa. Ví dụ nếu tối đa hóa hạnh phúc là đúng, liệu chúng ta có nên làm giống Robin Hood, lấy 1 triệu đô la của Warren Buffett chia cho mỗi hộ nghèo 10 ngàn đô la? Nỗi buồn khi bị lấy đi 1 triệu đô la của Warren Buffett sẽ chẳng là gì nếu so với niềm hạnh phúc mà 10 ngàn đô la đem lại cho những gia đình nghèo. Nếu bạn cho rằng điều trên là sai trái, bạn là người theo thuyết tự do. Tới đây tui thấy mình ba phải lắm.

HỌC THUYẾT TỰ DO của John Stuart Mill lên tiếng: “Tôi tuyệt đối độc lập. Tôi là chủ nhân tuyệt đối của cả cơ thể và tâm hồn.” (và cả tài sản). Thuyết này có vẻ đúng trong ví dụ trên kia. Warren Buffett có toàn quyền với tài sản của ông, không ai có quyền lấy đi tiền của ông khi ông không muốn. Nó cũng đúng với ví dụ về xe điện, không ai có quyền tước đi mạng sống của tôi nếu tôi không muốn, dù là để cứu mạng nhiều người khác. Thế nhưng lại một lần nữa, cuốn sách đưa ra những ví dụ mà ở đó thuyết tự do không còn đúng nữa. Chúng ta có thực sự sở hữu chính mình? Nếu tôi có toàn quyền với cơ thể mình, vậy cũng đúng nếu tôi có thể bán đi một quả thận để lấy tiền? Hay mang thai hộ lấy tiền cũng đúng? Hay trợ tử? Thuê lính đánh thuê? Đánh thuế những người thu nhập cao là đúng hay sai? Ý tưởng “tự sở hữu” khi áp dụng tới tận cùng thì chỉ những người ủng hộ cực đoan mới có thể ưa thích nổi: một thị trường tự do hoàn toàn, một nhà nước tối thiểu không hề có một biện pháp làm giảm bất bình đẳng…

QUAN ĐIỂM VỀ QUYỀN của Immanuel Kant: “Con người là thực thể có lý trí, có phẩm giá và xứng đáng được tôn trọng”. Kant có quan điểm rất thú vị và cũng rất khắt khe về tự do. Chúng ta thường cho rằng tự do là làm điều mình thích mà không bị cấm cản. Nhưng Kant không đồng ý như vậy. Ví dụ, khi chọn kem, bạn chọn vị chocolate thay vì vị dâu và bạn cho rằng mình đang hành động tự do. Kant thì chỉ cho rằng bạn chỉ đang cố gắng chọn cho mình 1 vị kem phù hợp với sở thích, cái sở thích không do bạn chọn, nó có thể là do bẩm sinh, hoặc do bị xã hội ảnh hưởng, vậy nên hành động không hoàn toàn tự do. Theo Kant, hành động tự do là hành động tự chủ, theo quy tắc tự tôi định ra cho chính mình, không theo mệnh lệnh của tự nhiên hoặc quy ước xã hội. Khi hành động vì mục tiêu bên ngoài, chúng ta không tự do. Đối với Kant, tôn trọng phẩm giá con người là đối xử với con người như một mục đích tự thân. Và đây là lý do vì sao hành động đẩy ông béo xuống chặn đường tàu là sai vì như vậy là đã đối xử với ông ta như một đồ vật chứ không phải con người. Đây cũng là câu trả lời của Kant cho việc tại sao buôn bán nội tạng, mang thai thuê hay lính đánh thuê là sai, vì hành động này đã coi cơ thể con người là hàng hóa.

Chúng ta thường quyết định những vấn đề về đạo đức là đúng hay sai, ủng hộ hay phản đối một điều gì theo ý kiến và quan điểm của bản thân khá dễ dàng, nhưng lại khó giải thích tại sao một cách rõ ràng, vì những lý do nằm trong tiềm thức sâu xa. Đi sâu vào khám phá lý do của bản thân là một trải nghiệm đau đầu nhưng lý thú và dấn thân vào triết học là con đường duy nhất để tìm ra câu trả lời. Dần dần chúng ta sẽ không còn trả lời trong vô thức nữa, mà là quyết định trong tỉnh táo.

Tới đây nói ngoài lề chút, đọc về quan điểm của Kant về hành động tự do, mình nhận thấy quan điểm của Erich Fromm về tình yêu (tình yêu nói chung, không phải mỗi tình yêu nam nữ) trong cuốn The Art of loving (Nghệ thuật của tình yêu) cũng tương đồng, phải chăng là bị ảnh hưởng từ Kant? Trong cuốn The Art of loving, Erich Fromm do dự khi gọi Yêu là “hành động” theo nghĩa xã hội của từ này. Mọi người thường cho rằng hành động là chủ động, không làm gì là bị động nhưng thực ra không phải vậy. Phần lớn hành động là do thôi thúc ở bên ngoài và vì thế nó là bị động. Một người ngồi thiền không làm gì bị cho là bị động nhưng đó lại là hành động chủ động nhất vì nó hoàn toàn tuân theo tự chủ của người đó. Yêu theo Erich Fromm là một hành động chủ động, tuân theo nghĩa vụ tự thân của nó chứ không phải bị động do tác động từ bên ngoài. Mình chợt nhận thấy có nét tương đồng giữa hai tư tưởng từ hai cuốn sách đó vậy thôi.

Tuân theo mục đích tự thân của con người, Kant cũng cho rằng bảo vệ mạng sống của mình là nghĩa vụ. Hầu hết mọi người đều có khát vọng sống nên nghĩa vụ này hiếm khi xuất hiện. Kant cho rằng làm một điều gì vì nghĩa vụ, nghĩa là vì đó là điều đúng thì hành động đó mới có giá trị đạo đức. Sống vì đó là đúng chứ chẳng vì lý do nào khác. Chúng ta thường cho rằng mình tiếp tục sống vì mình yêu cuộc sống. Vậy không yêu cuộc sống nữa thì tự tử cũng đúng? Vậy nên lý do yêu cuộc sống không mang lại giá trị đạo đức. Chỉ khi một người vô cùng đau khổ đến mức không còn ý muốn sống, nhưng vẫn quyết định trái với ý muốn mà sống vì nghĩa vụ thì khi đó hành động sống của anh ta mới có giá trị đạo đức. Đương nhiên Kant không có ý nói là bạn phải khốn khổ để hành động của mình có giá trị đạo đức, hay niềm vui sống làm giảm giá trị đạo đức của hành động sống. Miễn là bạn sống với ý niệm đó là nghĩa vụ.

Kant lập luận đạo đức không thể dựa trên những yếu tố mang tính kinh nghiệm như mối quan tâm, sở thích, ham muốn – ngay cả ham muốn được hạnh phúc – … vì những yếu tố này liên tục biến đổi và lệ thuộc, khó có thể trở thành nguyên tắc đạo đức phổ quát. Ông lập luận chúng ta có thể đến được nguyên tắc tối thượng thông qua việc thực hiện điều mà ông gọi là “lý trí thực tiễn thuần túy”. Để biết làm cách nào thì chúng ta phải khám phá mối quan hệ giữa năng lực suy lý và năng lực tự do của con người. Phần lý giải này dài lắm. Một ví dụ minh họa dễ hiểu hơn là hành động nói dối. Giả sử một kẻ sát nhân đang đứng trước cửa nhà bạn để tìm giết một người bạn đang trốn trong nhà. Liệu bạn có nói thật cho kẻ sát nhân biết? Chúng ta đều biết nói dối là sai, nhưng đồng thời lại cũng cho rằng trong một vài tình huống cụ thể như trên, nói dối là “đúng”. Ấy là vì chúng ta đã dựa trên kinh nghiệm (ở đây là để bảo vệ bạn mình) để phán đoán đạo đức. Theo Kant, nguyên tắc đạo đức là tuyệt đối: nếu nói dối là sai, nó sẽ luôn sai trong mọi tình huống dù là để bảo vệ mạng sống của người thân; phải tuân theo nghĩa vụ đạo đức, bất chấp mọi hậu quả. Trong tình huống thế này, phải xử lý sao cho đúng? Xin hãy đọc sách để biết thêm.

Mình mới chỉ tóm tắt được nửa đầu của cuốn sách. Nửa sau cũng như nửa đầu, tác giả liên tục đưa ra những tình huống đạo đức, các học thuyết triết học trả lời để trả lời, và các học thuyết kế tiếp để phản bác. Trong lịch sử phát triển triết học của loài người, các học thuyết triết học liên tục ra đời nhằm phản bác lại và/hoặc tiếp tục phát triển tiếp các học thuyết trước đó và các triết gia vẫn còn tiếp tục cuộc đàm luận tới tận ngày nay mà chưa có câu trả lời cuối cùng, vì các câu hỏi cứ tiếp tục nảy sinh mãi, có khi xa tít tắp khỏi câu hỏi ban đầu. 😀 Và mình thì cũng bắt đầu bị cuốn vô vòng xoáy không dứt này rồi. Hi vọng ai đó đọc tới đây cũng bị cuốn vô như mình. Chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thế giới này khác đi một chút, cũng có thể là nhiều chút, không hẳn là tốt đẹp hơn mà là thực tế hơn, như nó vốn là.