Hồi mới tới Nhật được vài tháng, đôi giày mẹ mua cho tui mang qua đi làm bị hỏng, thế là tui mới mon men tới tiệm sửa giày. Giá tiền sửa làm tui phát hoảng. Nó đắt gấp mấy lần đôi giày của tui, còn nhỉnh hơn giá đôi giày tui mua bằng tháng lương đầu tiên nữa. Rốt cuộc vì hồi đó chẳng dư dả gì nên tui đành ngậm ngùi mang giày về cất tủ.
Sau đó thì tui cứ băn khoăn hoài, nếu tiền sửa giày mắc như vậy, thì ai mà lại đi sửa, mua đôi khác cho rồi. Nhưng thi thoảng đi lang thang, tui lại bắt gặp tiệm sửa ô, tiệm sửa quần áo. Mỗi lần như thế, câu hỏi ngày xưa lại quay trở lại.
Cho tới hôm nay, tình cờ đọc được một câu, tui cũng đã tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi ngày xưa.
“Thích là hỏng thì đổi cái mới.”
“Yêu là hỏng thì sửa, mà sửa không được thì chịu thôi.”
Hóa ra người ta cứ nhất định giày mòn thì phải mang đi đóng lại đế, ô gãy nan thì mang đi thay nan mới, quần áo hỏng thì mang đi sửa lại, vì người ta yêu món đồ đó. Nhưng phải là món đồ thế nào mới trở thành không thể thay thế được chứ? Ừ, vì món đồ ấy rất mắc tiền? Có khi là món đồ đó giờ không còn mua được ở đâu nữa? Hay đó là món đồ có một không hai? Hoặc chỉ đơn giản là nó đã chứng kiến nhiều ký ức và kỉ niệm của chủ nhân.
Đôi giày mẹ tặng tui cứ giữ đó mấy năm, nhưng rồi sau này nhìn lại thấy nó đã cũ, tui cũng chẳng còn trẻ gì mà xỏ chân vào nó nữa, nên đành dẹp nó đi rồi, có tiền cũng không sửa nữa. Ngó lại quanh mình, tui chẳng có món đồ nào nếu hỏng sẽ nhất nhất phải sửa nữa.
Ngày nay đi trên phố, phải trong hàng trăm cửa hàng mới có một nơi sửa đồ. Có phải vì giờ người ta sắm đồ mới dễ quá nên chẳng còn để tâm sửa chữa món đồ cũ nữa chăng.