Bye 2020! Hi 2021!

Bắt đầu bằng việc nhìn lại 2020, thế giới và mình.

Ngày cuối cùng của năm 2020, mình ngồi xem bộ phim tài liệu trào phúng (mockumentary, ghép từ mock (xỉa xói) và documentary (phim tài liệu)) trên Netflix: “Death to 2020” (Hẹn không gặp lại, 2020) hay link wiki, trong khi vừa hôm 30 cũng xem một bộ phim tài liệu ngắn trên đài NHK G của Nhật có tựa là “世界同時ドキュメント 私たちの闘い「自撮り映像でつづる危機の記録」” (Thế giới trong lúc này: Cuộc đấu tranh của chúng tôi: “cuộc khủng hoảng được ghi lại bằng video tự quay”. ) ” Thế giới trong lúc này” là chuỗi phim tài liệu bao gồm các tư liệu được thu thập trên toàn thế giới vào cùng thời điểm. Đó là hai góc nhìn hoàn toàn khác nhau về cùng một năm không thể nào quên 2020.

“Hẹn không gặp lại, 2020” nhìn từ góc nhìn trào phúng, có lẽ mang mục đích giải trí là chính, bao quát nhiều vấn đề: đại dịch Covid, Brexit… Là một trong những người không bị ảnh hưởng lắm trong năm 2020, mình thấy bộ phim khá hài hước, dù nhiều chỗ phản cảm và kỳ quặc (khi nói về đại dịch kiểu như thế), nhưng với những người còn lại, khi nỗi đau còn chưa lành vết thì bộ phim này hẳn vô cùng phản cảm.

“Cuộc đấu tranh của chúng tôi” ngược lại, là góc nhìn chân thực, tư liệu do chính những người trong cuộc ghi lại về đại dịch Covid. Trong đó có một câu chuyện của một anh ở Ý: anh kể anh nhiễm virus covid, anh vào viện, chữa trị rồi ra viện, mặc dù đã lành bệnh nhưng có một nỗi đau mãi mãi sẽ không thể lành, vì anh chính là người đã lây virus cho bố và ông đã qua đời trong khi anh còn nằm viện. Anh không được từ biệt bố và giờ đây trở về sống trong căn nhà trước đây có hai người giờ trống trải chỉ còn một người. Anh nói anh sẽ giữ căn phòng của bố trong một thời gian dài. Ngoài ra còn rất nhiều những câu chuyện tự kể từ khắp nơi trên thế giới: cô bác sĩ ở Pháp làm việc liên tục nhiều giờ không ngủ, chỉ được gặp chồng và con vào cuối tuần; cô gái ở New York dù không biết gì về công nghệ đã tìm cách lắp ráp cái máy in 3D để in và làm mặt nạ kính phát cho nhân viên ga tàu điện ngầm. Cô ấy bảo phải có ai đó làm gì đó, nếu không ai làm thì tôi sẽ làm. Có câu chuyện về một anh sống ở vùng nào đó mình không nhớ, lái xe ngày đêm tới New York để làm tình nguyện. Có câu chuyện của một nghệ sĩ Opera, nhớ hát và muốn được hát, ngày ngày bác ấy ra ban công hát cho cả xóm nghe và trò chuyện với bác hàng xóm. Xem những câu chuyện như vậy, mình nhận ra trong nghịch cảnh, nghị lực và hy vọng của con người có thể mạnh mẽ đến thế nào.

Đó là thế giới. Còn đối với mình, đại dịch Covid chỉ làm thay đổi cuộc sống của mình chút đỉnh, không có gì kịch tính, là những chuyện cá nhân hàng ngày thôi. Nó đã thay đổi cách mình làm việc: thay vì tới công ty thì làm ở nhà, thay vì dậy sớm từ 7h dậy trang điểm, pha cà phê, đi tàu, đọc sách thì rút gọn lại thành 8:30 dậy, pha cà phê, bước vài bước tới bàn làm việc, đọc sách ít hẳn đi, nhưng làm việc tập trung hơn. Khi mới bắt đầu làm việc ở nhà, mình đã kỳ vọng đây là cơ hội để thiết lập thói quen buổi sáng, nhưng sau một năm nhìn lại, đây quả là ảo tưởng sức mạnh =.=! Nếu có gì đó gọi là thành tựu đáng tự hào thì đó là 3 việc: học thêm được món mới là chơi đàn ghi-ta, cải tổ nhà cửa và quản lý tài chính. Những mục tiêu khác như thói quen buổi sáng, luyện viết, eat clean, chạy, đọc sách… đều chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, dù có tiến bộ chút xíu. Hóa ra ba việc mình làm được lại là những việc mình bắt đầu ngẫu hứng và chẳng hề kỳ vọng gì nhiều, cứ làm từng chút vậy thôi mà lại được.

Từ đầu tháng Tư mình bắt đầu nghiêm túc tập luyện đàn ghi-ta. Bắt đầu bằng luyện ngón, học nhạc lý, rồi tới tập các hợp âm đơn giản. Nhạc lý cơ bản thì trên youtube có nhiều bài giảng rất dễ hiểu như chuỗi bài nhạc lý của anh Hoangguitar2210. Luyện ngón mới là thứ mình chật vật. Mình tập theo chuỗi bài luyện ngón vô cùng chi tiết của bạn Thuận guitar và nhiều nguồn khác: bạn Haketu, bạn Quỳnh Lemo, anh Hiển Râu, GuitarLessons365, Joe Walker

Thời gian đầu rất dễ nản. Các ngón tay trái đau và còn không chịu theo ý mình, có hôm tập hăng quá ngủ dậy cả cánh tay trái đau nhức. Các ngón cứ bấm trật dây hoài, rồi vươn không tới. Ngón giữa và ngón áp út mãi không chịu tách ra. Ngón út còn yếu nên bấm cứ bị tịt nốt… Sở dĩ mình vượt qua được giai đoạn này vì thời gian ở nhà nhiều, đi ra đi vô thấy cây đàn treo đó cắn rứt lương tâm nên ráng tập chút một chút một. (Nhân tiện, chiêu để đàn nơi dễ thấy này mình học được từ cuốn Atomic Habits). Những lúc nản quá, tay đau quá, mình vẫn vứt cây đàn đó đi đọc sách hay xem phim, khi thấy muốn tập lại lấy ra tập tiếp. Tại mình sợ ép uổng quá chán tập hẳn thì tèo. Rồi từng ngày từng ngày, tay bớt đau dần, bấm ít trật dần, ngón di chuyển nhanh và mượt mà dần. Bí quyết là chia nhỏ tập từng thứ một, giải quyết từng vấn đề một từ đơn giản tới phức tạp. Lúc đầu luyện ngón chỉ tập di chuyển 2 ngón, rồi 3 ngón, rồi 4 ngón. Mình tập vẫn trầy trật thôi, nhưng khi quay lại tập những bài trước đây mình thấy khó giờ lại làm ngon ơ, mình biết là mình đã tiến bộ. Nếu có cảm thấy thất bại thì mình biết đó là tại mình đang chuyển qua những bài tập khó hơn. Rồi tới tập hợp âm: bắt đầu bằng những hợp âm chỉ có 2 ngón, 3 ngón thôi, vậy mà đổi hợp âm qua lại cũng trầy trật. Đổi hoài cũng không đồng bộ, không kịp nhịp được, mình cứ đi tìm “cách để đổi hợp âm cho nhanh… blah blah” để xem có mẹo gì không, nhưng rồi giờ đây khi nhìn lại, mình nhận ra chỉ có một cách: luyện tập và luyện tập, từ chậm tới nhanh cùng metronome, không có đường tắt.

Sau 6 tháng, giờ thì mình chơi đệm hát được vài bài hát yêu thích ở tone C/Am và G/Em. Bài hát đầu tiên tập trầy trật phải cả tháng. Những bài sau thì nhanh dần: 2 tuần, 1 tuần, vài ngày… Giờ thì mình đang tập chơi mở bài (intro) để chuyển dần qua tập fingerstyle. Sau 8 tháng tập luyện, tập đàn giờ đây không còn là thứ mình cần triệu tập ý chí để làm mà nó đã thành thú vui và là nơi mình lấy lại sự tĩnh tại trong tâm hồn, giống như đọc sách. Làm việc căng thẳng? lấy đàn ra chơi; có chuyện phiền lòng? lấy đàn ra hát một bài, vậy là trong lòng an tĩnh trở lại.

Đọc sách: mục tiêu là 24 cuốn, 6 cuốn tiếng Anh, 1 cuốn tiếng Nhật, giảm số sách đọc dở xuống 5 cuốn. Kết quả: đọc được 36 cuốn, 12 cuốn phi hư cấu (33%), vừa đủ 6 cuốn tiếng Anh, không đọc được cuốn tiếng Nhật nào, chỉ hoàn thành được 7 cuốn đọc dở từ năm ngoái, bỏ vài cuốn về lại sách chưa đọc, số sách đọc dở hiện tại là 13 cuốn. Viết được 2 review tử tế cho cuốn Jane Eyre và Phải trái đúng sai và tầm 24 review ngắn ngắn trên goodreads. Đọc sách vốn không quan trọng số lượng, nhưng để đánh giá mục tiêu thì đành dùng tới con số thôi. Về chất lượng: năm nay chắc chỉ có 2 sao. Số sách gọi là đáng đọc chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là sách chọn từ năm kia, còn những cuốn năm ngoái tự chọn đều là dựa trên cảm tính thất thường. Đoạn này sao tự dưng nghe lạnh lùng căng thẳng quá ^^! Năm kia và năm ngoái mình đọc được hai cuốn về thói quen là “Power of habit” (Sức mạnh của thói quen) và “Atomic habits” (Thói quen nguyên tử). Cả hai cuốn đều có văn phong rất hay, nội dung trình bày khoa học, thực tế và mang tính áp dụng cao. Trong năm ngoái mình đã áp dụng được vài chiêu để “lừa” bản thân bớt lười và làm được cơ số việc. Đọc sách cũng có ích đó chớ.

Giờ tới 2021 nè. Mình đã dành suốt mấy ngày của kỳ nghỉ lễ để suy nghĩ xem mình muốn làm gì với 2021. Dù có lạc quan hết cỡ thì hẳn là nửa đầu 2021 cũng sẽ không khác gì với 2020. Không đi được đâu xa thì ở nhà với đàn và sách vậy.

Mục tiêu chính của năm nay là:

  • Hình thành thói quen ngủ sớm dậy sớm và tận hưởng buổi sáng: ngủ 10 giờ dậy 6h, ăn sáng, đọc và viết.
  • Ăn uống lành mạnh, học nấu ăn.
  • Sách: 24 cuốn như mọi năm. Mục tiêu sách tiếng Anh năm nay là 12~ cuốn do vừa đăng ký audible nên mỗi tháng sẽ nghe 1 cuốn. Mục tiêu sách tiếng Nhật vẫn là 1~ cuốn. Mục tiêu sách phi hư cấu là 40%~.
  • Đàn guitar: chơi được 1 bài kèm intro hoàn chỉnh và tới cuối năm chơi được 1 bài fingerstyle đơn giản.
  • Chạy 3 lần 1 tuần.
  • Vài mục tiêu khác.

Vậy đó, hẹn cuối năm xem làm được tới đâu ha.